Nhận định Trịnh_–_Nguyễn_phân_tranh

Lợi thế, nhược điểm

Trong cuộc chiến 7 lần thế kỷ 17, tuy họ Trịnh có danh nghĩa vua Lê, có lực lượng mạnh hơn, lợi thế về nhân lực đông đảo, vật chất dồi dào hơn nhưng quân phải đi đánh đường xa thường mệt mỏi và lương thảo không vận kịp, mặt khác Bắc Hà luôn có mối lo các lực lượng cát cứ ở hậu phương nên không thể dốc toàn lực, toàn tâm vào cuộc chiến.

Phía họ Nguyễn dù lực lượng ít hơn nhưng được đánh tại đất nhà, có hai tướng giỏi là Hữu Tiến và Hữu Dật, lại có các chiến lũy kiên cố. Qua nhiều năm giao chiến khi tiến khi lui, cuối cùng họ Nguyễn từ Thuận Hóa lấn được ra tới sông Gianh, chiếm được Nam Bố Chính. Hơn nữa, ngoài đất đai, họ Nguyễn còn mang về được một lượng nhân lực khá lớn để khai khẩn những vùng đất mới khai thác phía nam. Điều đó cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thế lực của họ Nguyễn lúc đó cũng như sau này.

Phía Trịnh trong giai đoạn đầu đã mắc sai lầm chủ quan, ỷ vào lợi thế của mình, đánh giá chưa đúng về thực lực của họ Nguyễn nên hay bị thua trận. Tuy nhiên, khi đánh ra Nghệ An, chính quân Nguyễn cũng bộc lộ điểm yếu của đạo quân phải đánh xa nhà nên không thể tự mình tiếp tục duy trì ưu thế bắc tiến. Ngay các danh tướng nhiều mưu mẹo như Hữu Dật, Hữu Tiến cũng lực bất tòng tâm, không thể có đủ lực lượng để dàn ra khắp mặt trận nhằm thực hiện tấn công tổng lực ra bắc mà có ý hoãn binh, trông chờ vào các lực lượng quấy rối ở hậu phương địch để chia sức quân Trịnh. Mặt khác, vì lực lượng có hạn, quân viễn chinh của Nguyễn không còn đủ sức đương đầu với phía Trịnh đông quân nhiều tướng, hết lớp này đến lớp khác (Lê Văn Hiểu đến Trịnh Thượng, rồi Trịnh Toàn, lại Trịnh Căn) được điều ra mặt trận. Khi họ Trịnh củng cố nhân sự, siết chặt lại đội ngũ thì ưu thế nhân lực vật lực được phát huy rõ hiệu quả.

Một nhân tố khác giúp hai bên đứng vững là các tướng ngoài mặt trận của hai bên, mặc dầu tài năng ở mức độ khác nhau nhưng nhìn chung đều là những người cần cù, trung thành. Trịnh Toàn bị dụ hàng ở thời điểm ngoài gặp địch mạnh, trong bị anh bức bách không khác gì Trịnh Cối trước đây, thủ hạ sợ vạ lây đều đã hàng Nguyễn, thế nhưng Toàn vẫn không hàng như Cối mà chấp nhận cái chết. Lê Văn Hiểu thua trận, thân bị thương, bị chúa gọi về trị tội cũng không nghe theo lời dụ của Hữu Dật. Nguyễn Hữu Dật cũng bị dụ khi vừa thua trận và bị các tướng ganh ghét, nhưng cũng không đổi dạ thay lòng. Những trường hợp sang đầu hàng bên kia không nhiều và không nắm trọng trách nên không gây ảnh hưởng quyết định tới kết quả cuộc chiến.

So sánh với chiến tranh Lê – Mạc

Lê-Mạc và Trịnh – Nguyễn đều là những cuộc nội chiến trường kỳ trong lịch sử Việt Nam, gây ra hậu quả chia đôi nước Đại Việt trong 250 năm. Tuy nhiên, so với Chiến tranh Lê – Mạc thời Nam Bắc triều, mức độ của Chiến tranh Trịnh – Nguyễn có phần bớt nghiêm trọng hơn vì những lý do sau:

Về tính đối kháng

Lê – Mạc là kẻ thù không đội trời chung. Nhà Mạc cướp ngôi Lê, Lê khôi phục rồi chống Mạc, họ Lê mang mối thù giết vua cướp ngôi với họ Mạc nên quyết không thể có chuyện nghị hòa. Lê và Mạc phải đánh nhau một mất một còn để chứng minh mình là "chính thống", nhất là nhà Minh dùng chiêu bài lập lờ, không dứt khoát công nhận ai. Chiến tranh Lê – Mạc vì vậy chỉ có thể kết thúc khi một bên bị tiêu diệt.

Giữa họ Trịnh và Nguyễn, xuất phát vốn là hai họ thông gia, ông tổ của 2 họ là người trong một nhà. Trịnh Kiểm lấy chị Nguyễn Hoàng là Ngọc Bảo, đến Trịnh Tráng lại lấy con gái Nguyễn Hoàng cũng là cô họ của mình là Ngọc Tú. Trước khi dùng "binh", Trịnh và Nguyễn đã dùng "lễ" trong thời gian khá dài vì cả hai trên danh nghĩa đều là quan của nhà Lê, đều lấy danh nghĩa "phò tá vua Lê" để cai trị nhân dân. Khi 2 bên thấy khó thắng được nhau thì cũng có thể quay sang bàn việc nghị hoà, không cần phải cố đánh liều chết với nhau. Và thực tế thì sau 7 lần xuất binh, cả hai bên đều chán nản nên đã nghị hòa với nhau và duy trì giới tuyến suốt cả một thế kỷ.

Thời gian, mật độ

Chỉ trừ lần đụng độ thứ năm kéo dài 5 năm (1655–1660), các cuộc đụng độ khác giữa Trịnh và Nguyễn đều kéo dài chỉ vài tháng, thậm chí trong chưa đầy một tháng; khoảng cách giữa các cuộc chiến cũng khá dài, thường là 5–7 năm, có khi dài tới hàng chục năm. Giữa các cuộc chiến có thời gian đình chiến giúp cả hai bên củng cố thực lực. Trong khi đó, cuộc Chiến tranh Lê – Mạc trong 60 năm diễn ra với mật độ liên tục, gần như chỉ một vài năm lại có một cuộc hành quân bắc tiến hoặc nam tiến của bên này hoặc bên kia.

Lực lượng của Lê và Mạc nhìn chung ngang nhau nên cả hai bên "ăn miếng trả miếng", lúc thủ lúc đánh. Còn khi đụng đầu với Trịnh, Nguyễn chủ yếu ở thế phòng thủ, dùng chiến lũy kiên cố, địa hình hiểm trở để cản đường nam tiến của Trịnh. Lúc đó Nguyễn chưa lấy được đất Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp nên lực lượng còn hạn chế, vì vậy sau cuộc chiến Nghệ An 1655 – 1660, Nguyễn không thể tái diễn một cuộc chiến dài hơi như vậy với Trịnh.

Địa bàn

Chiến tranh Trịnh – Nguyễn chỉ diễn ra ở phạm vi Trung Bộ, thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chiến tranh Lê – Mạc trải khắp gần như toàn lãnh thổ Đại Việt khi đó, từ Bắc Bộ tới Thanh – Nghệ và có lần tới Thuận Hóa. Vì thế ảnh hưởng và thiệt hại của quân, dân hai bên trong chiến tranh Lê – Mạc lớn hơn so với chiến tranh Trịnh – Nguyễn.

Chính sách cai trị

Nhân tố quan trọng hơn cả giúp các chúa Trịnh và chúa Nguyễn ngồi vững và giữ được cơ nghiệp là chính sách cai trị phù hợp. Ngoài danh nghĩa "phù Lê", các chúa đều lấy được lòng dân tại khu vực mình cai quản để huy động nhân lực, vật lực vào cuộc chiến. Hơn nữa, các thế hệ đầu của chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều là những người có tài, có thể giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những rạn nứt từ bên trong chính quyền mình, chủ yếu là những người trong cùng một nhà có ý đồ khác, không để những xung đột nội bộ lan rộng làm ảnh hưởng tới toàn cục.

Sử sách không chép rõ thiệt hại về người qua từng cuộc chiến là bao nhiêu nhưng chắc chắn con số thương vong của hai bên phải tới hàng vạn người. Ngoài ra, nhân dân trong vùng chiến sự bị thiệt hại nhiều hơn cả.

Hơn 100 năm sau, các lũy Trấn Ninh, Trường Dục vẫn vững chắc như xưa, nhân lực vật lực của Đàng Trong đã tăng thêm nhiều, bấy giờ không còn kém Đàng Ngoài nữa, lẽ ra cơ đồ của Chúa Nguyễn phải càng thêm vững. Nhưng cuối thời chúa Nguyễn, quyền thần làm loạn, sưu cao thuế nặng, chúa Nguyễn thì ham mê tửu sắc khiến lòng người Đàng Trong chia lìa bởi sự cai trị rối ren. Kết quả là lũy cao, đất hiểm không còn giúp được họ Nguyễn cản đường quân Trịnh nam tiến như 7 lần trước. Quân Trịnh đánh tới như cuốn chiếu, tướng của Chúa Nguyễn thi nhau hàng Trịnh, giúp quận Việp lập công.

Sau thành quả chiếm Phú Xuân, đến lượt Chúa Trịnh say sưa chiến thắng, tưởng như công nghiệp của mình đã vượt được cha ông. Đất đai rộng hơn, quân số và dân số đông thêm, của cải giàu lên, các mối lo cát cứ ở hậu phương không còn, lẽ ra cơ đồ của họ Trịnh phải hùng mạnh hơn trước. Thế nhưng, chính sự Chúa Trịnh cũng lại lâm vào cảnh rối ren, tướng lười quân kiêu, nhân dân chán ghét nhà Chúa; còn lấy việc mất Thuận Hóa (về tay Tây Sơn) làm may[7], bởi thế cơ đồ họ Trịnh lại bị mất mau chóng hơn cả nhà Mạc trước kia, dù họ Mạc vốn chỉ có vùng Bắc Bộ.

Như vậy, có thể thấy tài đức của người lãnh đạo có thu phục, đoàn kết được nhân dân hay không mới mang yếu tố quyết định sự mất còn của đất nước, còn quân đông đất rộng cũng chỉ là nhân tố thứ yếu.